Với các bé từ 6 đến 18 tháng tuổi, bạn có thể tập dần cho trẻ ngồi ăn dặm và ăn cùng với cả gia đình. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể tham khảo trong quá trình tập cho con ăn dặm và ăn tự lập.
Tập cho trẻ ngồi ăn cùng gia đình:
Nếu trẻ có ghế ngồi ăn phù hợp thì rất tốt. Nếu chọn ghế ăn cho bé, bạn nên ưu tiên những loại có bàn ăn nhỏ đi kèm. Các cạnh, góc của ghế ăn nên được bo tròn, đơn giản để tránh cho bé không bị kẹp tay hay bị thương. Ghế ăn của bé nếu có độ ngả và điều chỉnh được bàn ăn để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con thì sẽ tốt hơn nữa. Chọn ghế ăn phù hợp cho con cũng giúp bạn sớm thành công trong việc rèn luyện nết ăn cho bé. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ là ngồi đầu bàn để tránh va đụng đến người xung quanh.
Ghế ăn dặm sẽ giúp bé hình thành thói quen ăn uống tự lập từ nhỏ, giúp mẹ được thảnh thơi, không phải bế và dỗ con ăn quá nhiều.
Bé nên được ngồi ghế ăn có đai cài an toàn, có thể điều chỉnh độ ngả lưng và bàn ăn tích hợp.
Vị trí thích hợp nhất cho trẻ là ngồi đầu bàn để tránh va đụng đến người xung quanh.
Nếu không có ghế dành riêng cho trẻ, bạn nên chuẩn bị sẵn một cái gối có độ cứng vừa phải và có độ cao đủ để kê lên ghế cho bé, giúp bé không bị thấp quá so với bàn và so với mọi người cùng gia đình.
Lưu ý:
Những đồ ăn nóng và dễ đổ cần đặt cách xa trẻ.
Trẻ dưới 3 tuổi khó có thể ngồi yên được đến 10 phút tại bàn ăn và trẻ hay nhấp nhổm trong khi ngồi ăn. Để tránh tình trạng lộn xộn có thể xảy ra, bạn cần lưu ý về thời gian. Khi nào thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu phá quấy, bạn nên cho trẻ ra khỏi bàn. Trẻ có thể chạy chơi vài vòng quanh nhà hoặc quanh bàn rồi lại quay lại ngồi cùng bàn ăn cũng không sao.
Chuẩn bị cho bé trước khi ngồi ăn:
Hãy xắn tay áo cho con gọn gàng, quàng cho bé một chiếc yếm to, che kín cổ, ngực. Để sẵn khăn lau cạnh bạn đề phòng bé làm đổ thức ăn thì có thể lau dọn ngay.
Để cạnh bé giấy ướt, khăn lau tay để tiện vệ sinh cho bé sau khi ăn.
Chọn cho bé loại đĩa bát bằng chất dẻo để tránh đổ vỡ. Cốc uống nước của bé nên dúng loại bằng chất dẻo, có tay cầm, có đầu mút.
Rải thêm vài tờ báo hoặc giấy cũ xuống nền nhà để hứng thức ăn rơi vãi, nhất là với phòng trải thảm.
Tập cho bé tự xúc ăn:
Bạn có thể cho trẻ ăn đủ khẩu phần ăn trước. Khi đến bữa ăn của gia đình, bạn nên cho trẻ ngồi cùng để ăn thêm một vài món phụ.
Ban đầu bạn tập cho bé tự bốc ăn trước. Thức ăn có thể là rau củ thái miếng vừa tay bé để con có thể cầm ngậm, mút, tập cắn và nhai. Sau đó đế khi quan sát thấy trẻ cầm thìa đã chắc, động tác đưa vào miệng đã bắt đầu chính xác, bạn nên xúc một phần thức ăn vào trong bát riêng của trẻ để trẻ tự xúc. Có thể làm mẫu cho trẻ bằng cách cho trẻ tự xúc một miếng đưa vào miệng, bạn lại giúp trẻ xúc một miếng. Cần động viên bé khi bé đưa được thìa thức ăn vào miệng.
Khi bé ngọ nguậy, hãy kiên nhẫn với trẻ, đừng nổi nóng. Bạn còn gì khác ngoài tình yêu cho con, đúng không nào? Hãy dùng tình yêu của bạn để kiên nhẫn và nhẹ nhàng với con. Hãy chấp nhận nếu lúc đầu trẻ chưa chịu hợp tác và uốn nắn bé dần dần.
Nguồn: Tham khảo sách Tiểu Bách khoa về chăm sóc trẻ. Tác giả: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng.