Ăn dặm là bước đệm đầu đời giúp bé phát triển toàn diện và hoàn thiện khả năng ăn uống sau này. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi bé sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau và hệ tiêu hóa cũng phát triển hơn nên các mẹ cần phải lưu ý khi lên thực đơn ăn dặm cho bé nhé.
Mẹ nên đa dạng các loại thức ăn vào mỗi bữa ăn cho bé
Thực đơn ăn dặm cho bé theo từng giai đoạn
- Bé từ 6 - 8 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bé đang tập ăn, vì thế mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu. Mẹ nên cho bé ăn từng chút một và tăng dần lượng thức ăn của bé theo tuần bởi lúc này hệ tiêu hóa của bé cũng đang làm quen dần với thức ăn. Trong những ngày đầu tiên bé tập ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn 1 bữa/ ngày, sau đó tăng dần 2 bữa/ ngày, đồng thời tăng độ đặc của bột/ cháo.
- Bé từ 9 - 11 tháng: Giai đoạn này, mẹ có thể cho bé ăn 3 - 4 bữa/ ngày. Bên cạnh rau củ quả, mẹ nên cho bé ăn thêm thịt, cá, hải sản, trứng. Mẹ vẫn duy trì cho bé bú sữa hàng ngày.
- Khi bé được 1 tuổi: Mẹ có thể cho bé ăn đa dạng các loại thức ăn và ăn 4 bữa/ ngày. Trong mỗi bữa, mẹ cần cho bé ăn đầy đủ tinh bột; rau và dầu mỡ; trứng hoặc thịt, cá.
- Bé từ 24 - 36 tháng: Giai đoạn này bé đã có thể ăn cơm với các loại thức ăn như người lớn. Tuy nhiên, mẹ cần tránh những thức ăn quá cứng và dai, bởi thức ăn có thể khiến bé nghẹn hoặc hóc.
- Từ 2 tuổi trở đi: nhiều bé đã không còn bú mẹ. Vì thế bữa ăn mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và đảm bảo cho sự phát triển của bé. Ngoài 3 - 4 bữa ăn chính mỗi ngày, mẹ có thể cho bé ăn thêm 1 - 2 bữa phụ. Cho bé ngồi ăn cơm chung với cả gia đình để bé học được cách ăn uống, gắp đồ ăn.
Một số lưu ý khi mẹ cho bé ăn dặm
Mẹ nên tập cho bé ăn nhạt từ nhỏ để đảm bảo sức khỏe sau này
- Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dưới 1 tuổi, thận của bé còn yếu, không thể tải quá 1 gam muối mỗi ngày. Do vậy, mẹ không nên nêm các loại gia vị mặn vào thức ăn của bé bởi bản thân thực phẩm đã cung cấp đủ nhu cầu của bé rồi. Từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể nêm một chút muối hoặc mắm, nên nêm nhạt. Tốt nhất là mẹ nên tập cho bé ăn nhạt từ nhỏ để đảm bảo sức khỏe sau này.
- Mẹ không nên sử dụng quá nhiều đường trong mỗi bữa ăn của bé. Với người lớn, lượng đường tiêu thụ tối đa trong một ngày là 20g, do vậy, nếu cho bé ăn quá nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
- Mẹ nên thay đổi các loại thực phẩm giàu đạm thường xuyên như băm nhỏ thịt cá vào trong cháo để bữa ăn của bé đa dạng và lạ miệng hơn.
- Hạn chế cho bé ăn cơm quá sớm khi bé chưa có răng bởi việc nuốt chửng cơm sẽ khiến dạ dày của bé phải hoạt động quá mức.
Nguồn: vinmec.com