Trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è và gồng mình đỏ mặt là tình trạng sinh lý bình thường nếu hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài phút rồi hết. Trẻ sơ sinh từ 5-6 tuần tuổi sẽ thường gặp nhất tình trạng này, hoặc cũng có thể sớm hơn khi trẻ vừa được 2-3 tuần tuổi. Khi trẻ trên 4 tháng tuổi, hiện tượng sinh lý bình thường này sẽ hết.
Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn thường xuyên gồng mình đỏ mặt, vặn mình, rướn mình hay thậm chí là bé bị giật mình khi ngủ thì mẹ cũng nên cần quan tâm vì nếu hiện tượng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Trẻ sơ sinh khi mới chào đời, các thế bào thần kinh chưa biệt hóa, cấu tạo vỏ não và thể vân cũng vẫn chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ sẽ chiếm ưu thế. Chính vì vậy, bé sẽ thường xuyên có biểu hiện rướn người, vặn mình, chân tay thường xuyên vận động vì phản ứng của vỏ não sẽ có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích.
Trẻ sơ sinh rặn è è, vặn mình, gồng mình đỏ mặt do các yếu tố bên ngoài tác động được gọi là hiện tượng sinh lý nhưng đó cũng rất có thể là bệnh lý.
1. Các yếu tố bên ngoài môi trường tác động khiến trẻ sơ sinh hay rặn è è, vặn mình, gồng mình đỏ mặt
- Không gian phòng ngủ của trẻ quá ồn ào hoặc quá nhiều ánh sáng. Chỗ ngủ của bé không được thoải mái, ấm áp
- Trẻ bị đói, ăn chưa đủ no. Trẻ sơ sinh có dung tích dạ dày rất nhỏ, chỉ khoảng 30ml. Tùy thuộc vào số ngày tuổi và cân nặng mà lượng bú sữa của trẻ sẽ khác nhau, trung bình là từ 2-3h trẻ sẽ bú 1 cữ. Do đó, mẹ chú ý không nên cho trẻ bú quá nhiều bữa vì có thể sẽ khiến trẻ bị đầy bụng, lúc này trẻ sẽ vặn mình và ọc sữa sau mỗi lần mẹ cho bú.
- Trẻ rặn khi đi tiểu hoặc đại tiện: Trẻ sơ sinh khi tiểu hoặc đại tiện sẽ có biểu hiện vặn mình và rặn.
- Các yếu tố khác: do tã trẻ bị ướt, mẹ quấn khăn cho bé quá chặt, nhiệt độ phòng ngủ quá nóng hay quá lạnh.
Thông thường trẻ sơ sinh rặn è è, vặn mình, gồng mình đỏ mặt khi thức hoặc khi ngủ do những nguyên nhân trên đều là hiện tượng sinh lý bình thường và sẽ rất nhanh hết chỉ trong vài phút.
Tuy nhiên, bên cạnh đó trẻ sơ sinh rặn è è, vặn mình, gồng mình đỏ cũng có thể do bệnh lý. Nếu trẻ thường xuyên vặn mình, ngủ không sâu giấc, giật mình khóc thét trong đêm thì mẹ cần lưu ý vì nó không chỉ làm ảnh hưởng đến bữa ăn, giấ ngủ của bé mà còn có thể gây tổn thương nghiêm trọng bên trong, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thể chất của bé. Ví dụ như:
- Hạ canxi trong máu: khi trẻ gặp phải tình trạng này sẽ có những biểu hiện như trẻ dễ bị kích thích, ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc về đêm, vặn mình, gồng mình khi ngủ, thậm chí là co giật, tím tái.
- Bệnh còi xương: trẻ hay ra mồ hôi trộm, thóp chậm liền, rụng tóc, hay nôn ói, bò thóp mềm...
- Một số bệnh lý khác: bé bị ngứa do bị tổn thương, do côn trùng đốt hay côn trùng chui vào tai.
2. Giải pháp giúp trẻ ngủ sâu giấc, không vặn mình, gồng mình
Để bé có những giấc ngủ ngon và sâu, mẹ nên lưu ý:
- Nên giữ cho bé luôn được sạch sẽ, khô ráo
- Chọn loại tã bỉm phù hợp cho bé, thấm hút tốt. Thường xuyên thay bỉm cho bé
- Mặc cho bé những bộ quần áo ngủ mềm mại, rộng rãi và đủ ấm
- Kiểm tra nhiệt độ phòng, tránh để bé bị quá nóng hay quá lạnh. Nhiệt độ phòng lý tưởng là từ 26-28 độ C
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ phòng, giặt chăn đệm thường xuyên để bé không bị ngứa ngáy, khó chịu
- Vỗ về, massage cho bé để bé không vặn mình. Hoặc mẹ cũng có thể ôm bé vào lòng và âu yếm bé khi thấy bé khó chịu
- Bổ sung Vitamin D3/Tắm nắng: Trẻ sơ sinh vặn mình, gồng mình đỏ mặt có thể là dấu hiệu bệnh lý, điển hình là do bị thiếu canxi (thường gặp nhất ở trẻ sinh non). Do đó, để tránh việc trẻ sơ sinh vặn mình, gồng mình đỏ mặt và khóc thét nửa đêm thì mẹ cần phải bổ sung canxi khi cần (theo chỉ định của bác sĩ) cho bé.
- Mẹ nên ăn uống đầy đủ, tránh kiêng khem: bé sơ sinh, nguồn canxi lúc này được cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ (trừ những trường hợp bé ăn sữa ngoài), do đó, mẹ cần phải ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá thu, cá ngừ,... cũng như đa dạng thực đơn, đồng thời bổ sung canxi đầy đủ sẽ là một cách gián tiếp giúp bé nhà bạn không bị vặn mình. gồng mình nữa.
- Quan tâm đến cảm xúc của trẻ: Trẻ sơ sinh vặn mình, đó là cách để bé giãn các cơ và xương khớp khi phải nằm một chỗ quá lâu. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh vặn mình cũng là cách để bé cho mẹ biết rằng bé đang đau, khó chịu, không thoải mái, bé đói, mệt hay bị ướt tã,... Chính vì vậy, mẹ cần lưu ý đến những cảm xúc của bé để có biện pháp khắc phục ngay.
- Không sử dụng mẹo lạ trên internet để chữa vặn mình cho bé: Có khá nhiều mẹ truyền tai nhau các phương pháp chữa vặn mình cho trẻ như xông hơi, chườm nóng, đắp lá... tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ một biện pháp dân gian nào khi chưa có sự kiểm định của bác sĩ cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến bé.
Trên đây Joie đã giải đáp cho mẹ câu trả lời "Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay rặn è è và gồng mình đỏ mặt?". Mẹ hãy lưu vào để có thể chăm sóc bé tốt hơn nhé. Chúc các bé hay ăn chóng lớn.